Quản trị bền vững
Báo cáo ESG
Quản trị hướng đến phát triển bền vững

FPT liên tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và quản lý sản xuất là phương thức hiệu quả nhất đảm bảo sự hài lòng của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đem lại lợi ích bền vững cho các bên liên quan. Đây cũng là công cụ quan trọng để đảm bảo tuân thủ và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với chuẩn mực quốc tế. 

Năm 2022, FPT tiếp tục đẩy mạnh triển khai phương pháp quản trị mục tiêu và kết quả then chốt (OKRs) trong toàn Tập đoàn giúp thiết lập mục tiêu thống nhất của từng cá nhân với mục tiêu của phòng ban/CTTV/Tập đoàn đảm bảo đi theo đúng chiến lược, định hướng chung của Tập đoàn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất lao động. Các mục tiêu và kết quả của Tập đoàn, các CTTV, các phòng ban cũng như của từng cá nhân được báo cáo, cập nhật, theo dõi, đánh giá định kỳ và trực tuyến trên công cụ quản lý OKRs giúp đo lường chính xác mức độ hoàn thành mục tiêu bám sát với kế hoạch chung của Tập đoàn.

Công ty luôn tôn trọng quyền riêng tư của tất cả các cá nhân bao gồm CBNV, khách hàng, đối tác, nhà cung cấp và dữ liệu cá nhân của họ. Chính sách bảo vệ dữ liệu được áp dụng thống nhất trên toàn Tập đoàn và các công ty thành viên theo chuẩn quản trị của Tập đoàn.

Quản trị rủi ro về chiến lược, tầm nhìn

Mô tả rủi ro

Xác định sai đường hướng phát triển, từ đó đầu tư phân bổ nguồn lực không hợp lý, không phát triển được những mảng kinh doanh mới tiềm năng, hoặc không đưa ra được các sản phẩm/dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Các công ty mới nổi, năng động ở trong nước phát triển nhanh chóng, giành thị phần.

Biện pháp quản trị

Tham gia các sự kiện kinh tế, công nghệ lớn tại Việt Nam và trên thế giới để nắm bắt các xu hướng công nghệ mới, tìm kiếm cơ hội phát triển cho Tập đoàn.

Tổ chức Hội nghị chiến lược định kỳ hàng năm để cập nhật những xu hướng mới nhất trong kinh doanh và công nghệ nhằm đảm bảo tầm nhìn và định hướng chiến lược của Tập đoàn là đúng đắn. 

Đưa ra chiến lược cung cấp dịch vụ toàn diện và từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị dịch vụ công nghệ thông tin giúp FPT không ngừng cải tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ đặc biệt là đội ngũ cán bộ công nghệ nhằm nâng cao năng lực công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Số lượng nhân lực của Tập đoàn FPT đạt mốc 42.408 nhân sự.

Liên tục cải tiến mô hình kinh doanh, cải tiến hệ thống thông tin, quy trình nội bộ để tối ưu hóa việc vận hành và tối ưu hóa chi phí dựa trên hệ thống quản trị hiện đại.

Đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ nhằm đảm bảo hoạt động của Tập đoàn được thống nhất, thông suốt và minh bạch hướng đến mô hình công ty hoạt động theo thời gian thực. Năm 2022, với việc tập trung vào triển khai các dự án chuyển đổi số nội bộ giúp Tập đoàn quản trị, vận hành, kinh doanh phát triển một cách ấn tượng.

Quản trị rủi ro hoạt động

Mô tả rủi ro

Thông tin công bố không đúng thời hạn và không đầy đủ, chính xác.

Cạnh tranh thu hút nhân sự; số lượng, chất lượng nhân sự không bắt kịp nhu cầu tăng trưởng cũng như những chuẩn mực quốc tế để toàn cầu hóa hiệu quả.

Danh tiếng xấu ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp – từ hình ảnh thương hiệu đến các hiệu ứng tiền tệ.

Thông tin bị lộ, bị thay đổi, bị mất mát.

Biện pháp quản trị

Cập nhật đầy đủ các quy định liên quan đến công bố thông tin đối với công ty niêm yết; Xây dựng quy trình nội bộ về cung cấp và công bố thông tin nhằm đảm bảo các thông tin hoạt động, thông tin tài chính được báo cáo chính xác, kịp thời, đúng thời hạn.

Thường xuyên trao đổi với đại diện phụ trách công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán Tp. HCM để kiểm tra tính đầy đủ và chính xác của các thông tin cần công bố.

Xây dựng FPT thành tổ chức học tập, phát triển lực lượng lao động có trình độ cao, tổ chức tốt nguồn nhân lực, quy hoạch nhân sự quản lý với định hướng lâu dài. Năm 2022, các chương trình đào tạo được triển khai sâu rộng trên toàn Tập đoàn với 676.127 lượt đào tạo. Số chứng chỉ công nghệ cũng tăng từ con số 4.768 trong năm 2021 lên 8.712 trong năm 2022.

FPT xây dựng chính sách đãi ngộ đảm bảo các tiêu chí: “Làm nhiều – hưởng nhiều”, thu nhập tương xứng với kết quả công việc, giá trị đóng góp cho FPT; công bằng và minh bạch; cạnh tranh theo thị trường. Ngoài ra FPT còn thực hiện các chính sách khác như trợ cấp mua nhà, mua xe cho CBNV.

Xây dựng môi trường làm việc tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực.

Xây dựng hệ thống thu thập và phân tích ý kiến khách hàng để kịp thời điều chỉnh, cải tiến dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Định kỳ khảo sát đo độ hài lòng của các bên liên quan.

Xây dựng quy trình quản trị xử lý khủng hoảng truyền thông; quy định phát ngôn, chia sẻ và cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông; giám sát, theo dõi các thông tin về Tập đoàn và CTTV trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ để có phương án xử lý kịp thời khi có các thông tin không chính xác hoặc ảnh hưởng bất lợi đến danh tiếng/thương hiệu của Tập đoàn.

Áp dụng triệt để các biện pháp chống thất thoát dữ liệu và an toàn hệ thống nhằm đảm bảo an ninh thông tin của Tập đoàn. 

Tăng cường đầu tư hệ thống và giải pháp an toàn thông tin, cập nhật các quy trình áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật mới nhất. Hiện tại, bên cạnh các hệ thống mua ngoài, FPT đã đầu tư phát triển một số sản phẩm về an toàn an ninh mạng như CyRadar, FPT.EagleEye…

Quản trị rủi ro tài chính

Mô tả rủi ro

Biến động tỷ giá là rủi ro tiềm ẩn đối với mảng hoạt động cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT.

Nợ xấu mất kiểm soát, hàng tồn tăng cao.

Biện pháp quản trị

Theo dõi sát biến động của các nhân tố chính tác động lên tỷ giá, đa dạng các nguồn thu ngoại tệ; Áp dụng các chính sách phòng ngừa tỷ giá, đặc biệt với Yên Nhật; Áp dụng các hợp đồng hoán đổi tiền tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá với các khoản vay bằng ngoại tệ và các chính sách bán hàng linh hoạt dựa trên biến động tỷ giá.

Xây dựng và tuân thủ các quy trình về mua bán hàng, triển khai hợp đồng, … nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ, AI dự báo nhu cầu của khách hàng, xác nhận công nợ tự động với khách hàng, kiểm soát và phê duyệt thanh toán giúp tăng chất lượng kiểm soát, ra quyết định nhanh chóng và chính xác, tránh phụ thuộc con người.

Xây dựng chính sách kiểm soát công nợ của khách hàng, xây dựng chính sách quản lý tồn kho.

Xây dựng hệ thống phần mềm tự động hóa các khâu kiểm soát, phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, hạn chế rủi ro.

Phân tích, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lượng hóa nhu cầu để nhập hàng.

Quản trị rủi ro luật định

Mô tả rủi ro

FPT có hoạt động kinh doanh quy mô ngày càng lớn không chỉ ở lãnh thổ Việt Nam. Trong quá trình toàn cầu hóa, Tập đoàn cần quan tâm các vấn đề như: Tuân thủ về pháp luật, đặc biệt là pháp luật về lao động nhập cư tại các quốc gia mà FPT có hoạt động. Bên cạnh đó, khác biệt về văn hóa, thông lệ lao động của lực lượng lao động đa quốc gia và đối tác đang là thách thức ngày càng lớn.

Biện pháp quản trị

Theo dõi sát sao các chính sách, định hướng, nghị quyết, quyết định của Chính phủ và các bộ ngành, tổ chức liên quan, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ quan hữu quan nhằm hướng tới việc nâng cao vai trò của CNTT trong việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Nghiên cứu, cập nhật và tuân thủ luật định cũng như môi trường văn hóa, kinh doanh và đào tạo cán bộ nhân viên về văn hóa, pháp luật của nước sở tại.